preloaderlogo preloaderlogo

Lịch sử

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CHÙA THIÊN HƯNG (MỤC ĐỒNG)

I. NGUỒN GỐC VÀ ĐỊA DANH TỌA LẠC:

  • Chùa Thiên Hưng tọa lạc tại khu phố Chánh Thạnh, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa còn có tên gọi trong dân gian là chùa “Mục Đồng”.
  • Chùa khai sơn năm 1780 do Hòa Thượng Thích Liễu Vũ thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, Hòa Thượng tu học tại Tổ Đình Thập Tháp.
  • Chùa vốn là một ngôi miếu của làng được cải hoán làm chùa theo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
  • Chùa có diện tích ban đầu (1780 – 1998) khoảng 2000m2. Từ năm 1998, Đại Đức Thích Đồng Ngộ trụ trì đã mở rộng lên diện tích 10ha (kể cả hạ tầng giao thông) có tứ cận: Nam giáp khu đô thị mới Cẩm Văn, Bắc giáp ruộng dân làng Chánh Thạnh, Tây giáp làng Hưng Thạnh, Đông giáp khu dân cư Cẩm Văn quốc lộ 1A.
  • Sau khi chùa được Hòa Thượng Thích Liễu Vũ khai sơn, nhân dân trong làng cử ban quản lý trị sự.

II. CÁC ĐỜI TRÚ TRÌ CHÙA:

Trước 1906 không còn tư liệu ghi chép nào về các đời trụ trì.

  • Từ năm 1906 đến 1934: Hòa thượng Minh Dư trụ trì.
  • Từ năm 1934 đến 1935: Hòa thượng Nhựt Thành hiệu Minh Thông trụ trì.
  • Năm 1935: Hòa thượng Huyền Quang (trụ trì 5 tháng) .
  • Năm 1936: Hòa thượng Hoài Tây (tục gọi thầy Giám) trụ trì.
  • Năm 1937: Hòa thượng Linh Am cử thầy Như Huệ trụ trì đến năm 1947 (Thầy Họ Trần)
  • Năm 1948: Hòa thượng Giác Hoàng (tên chùa) trông coi hướng dẫn cho bà con tu tập lễ bái.
  • Năm 1949 đến 1955: thầy Bửu Thắng kế tục ,sau thầy về trụ trì chùa Quang Hoa, Huyện Tuy Phước.
  • Từ năm 1955 đến 1960: thầy Phan Quả trụ trì.
  • Từ năm 1960 đến 1962: thầy Pháp Thường trụ trì.
  • Năm 1963: không có tăng chúng và thầy trụ trì, chỉ có một bà vãi ở trông coi (bà vãi tên Tám).
  • Từ năm 1964 đến 1972: Thượng tọa Quảng Thiên được môn phong bổ cử trụ trì.
  • Từ năm 1972 đến 1984: Hòa thượng Liễu Không trụ trì Tổ đình Thiên Bình, tái thiết và cử đại đức Phước Thành là đệ tử của Ngài về trụ trì.
  • Từ năm 1984 đến 1998: Hòa thượng lại cử đại đức Thích Phước Quả thay thế trụ trì (hòa thượng Phước Quả sinh năm 1952 mất năm 2022).
  • Năm 1998: đại đức Phước Quả lên làm viện chủ. Đại đức Thích Đồng Ngộ được cử làm trụ trì đến nay.

III. CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TƯỢNG PHÁP CỦA CHÙA.

  • Năm 2000 được bà con nhân dân ủng hộ phần ruộng xung quanh chùa và được chính quyền ủng hộ tuyệt đối, chùa Thiên Hưng đã được mở rộng lên 10ha, mở trục đường mới nối quốc lộ 1A vào chùa (Đường được đặt tên là Đường Lê Lai)
  • Chùa được chính Đại đức Thích Đồng Ngộ thiết kế, tái thiết hoàn toàn vào năm 2007, các công trình được xây có chánh điện 3 tầng, tăng xá 2 tầng, Điện Tây Phương 2 tòa bằng gỗ, nhà Phương Trượng, Đại Bảo Tháp Thiên Ứng 12 tầng, Khách Đường và nhà Truyền Thống 2 tầng, La Hán Đài có 18 tượng A La Hán bằng đá sa thạch cao 3 mét nguyên khối, các khu lưu trú cho khách tăng và phật tử, xây khu sinh hoạt hậu cần lớn ở phía Đông… tổng cộng 20 công trình lớn nhỏ.
  • Chánh Điện có 3 tầng, tầng 3 là Đại Hùng Bảo Điện, chính giữa thờ đức Bổn sư Thích Ca bằng gỗ mít do thợ Hà Tây thực hiện trong 2 năm, cả Đài Sen tượng ngồi cao 4 mét, rộng 1m85, 2 bên là tượng Quan Âm Thế Chí đều bằng gỗ mít cao 3m44, rộng 90cm. Phía án trước thờ tượng Dược Sư bằng gỗ đàn hương cao 1m6. Hai bên cửa ra vào chính là 2 tượng Kim Cang thần bằng gỗ cao 2m7.
  • Tầng 2 là Tổ Đường, là không gian thờ các đời tổ sư, chính giữa tượng Đạt ma sư tổ bằng đá cẩm thạch trắng sơn màu cao 1m95 rộng 75cm do thợ làng đá Đà Nẵng thực hiện, bên phải là tượng Tổ Sư Khương Tăng Hội, bên trái là tượng Tổ sư Lâm Tế Nghĩa Huyền cao 1m4 rộng 1m cũng bằng chất liệu đá cẩm thạch trắng sơn màu (các họa sĩ phật tử thực hiện).
  • Chùa đúc quả chuông nặng 12 tấn, do làng nghề đúc đồng Ý Yên – Nam Định thực hiện năm 2015. Chuông được treo trong tháp Thiên Ứng.
  • Ngoài ra chùa còn có rất nhiều tượng thờ và pháp khí được thập phương cung tiến.

 

 

IV. PHONG CÁCH KIẾN TRÚC:

  • Chùa Thiên Hưng nằm giữa một vùng quê cổ trong thành Đồ Bàn xưa của Chăm Pa, có ruộng đồng và sông hồ bao bọc cùng với đường tre ngõ làng bình dị, yên ả. Cho nên ý tưởng kiến trúc được gắn với thôn quê, giữa chùa là ao sen, trước chùa là vườn thiền Thiên Thanh mộc mạc, theo phong thủy được bố cục nội viên ngoại gia, lấy khí tích thủy ở giữa để nuôi dưỡng xung quanh, trong chùa có hồ, trong nhà có sân, trong sân hoa cỏ cây cối sinh trưởng hàm chứa ý niệm ôm ấp dân sinh, chứa nhóm yên bình thảnh thơi.
  • Tuy nhiên để đánh dấu một thời đại mở rộng trùng kiến nên chùa cũng đem những giá trị mới của kiến trúc hiện đại vào trong tổng thể kiến trúc của công trình.

V. NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG CỦA CHÙA:

Tháng 7 năm 2013: Đại đức Thích Đồng Ngộ tháp tùng cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Việt Nam sang Bồ Đề Đạo Tràng – Ấn Độ thọ nhận Cung Nghinh xá lợi Phật về Việt Nam, do Liên Đoàn Phật Giáo thế giới tổ chức ban tặng dưới Cội Bồ Đề. Xá lợi hiện được tôn trí thờ tại Điện xá lợi chùa Thiên Hưng.

  • Tháng 7 năm 2014: Trong chương trình ban giao giữa 2 nước và các tỉnh kết bạn Đại Tăng Thống hoàng gia Campuchia ngài Tep Vong cùng tăng đoàn đã đến thăm ChùaThiên Hưng và trồng cây lưu niệm trong vườn Thiền.
  • Tháng 9 năm 2014: được sự thỉnh mời của bộ ngoại giao, tỉnh Bình Định và chùa Thiên Hưng trong chương trình giao lưu văn hóa vua sư Hòa Thượng Phong Samaleuk của Lào cùng tăng đoàn đã đến chùa Thiên Hưng lễ thăm và trồng cây lưu niệm.
  • Tháng 6 năm 2016: chùa Thiên Hưng tổ chức lễ Cung Nghinh tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới trong chương trình toàn cầu của nước Úc, về tôn trí trong gần 1 tháng cho nhân dân phật tử trong và ngoài nước chiêm bái. Có các chương trình lớn cũng được tổ chức trong dịp này như triển lãm tranh đương đại về Phật Giáo, pháp hội niệm Phật….

VI. TRUYỀN THỐNG TU HỌC CỦA CHÙA.

  • Từ lúc khai sơn thành lập Đạo Tràng tu học cho 4 chúng đến nay chùa Thiên Hưng tu tập theo pháp môn Tịnh Độ. Tuy nhiên đến đời Đại Đức Thích Đồng Ngộ được Đại Lão Hòa Thượng Ngọc Lộ (hiệu Tịnh Bình) khai mở tuệ căn dẫn dạy truyền trao pháp môn mật pháp: Đại Bi Tâm Pháp nên đại chúng hiện thời của chùa cũng được tu tập theo nhưng không bắt buộc, chùa tôn trọng mọi cơ duyên căn cơ tu học theo các pháp môn khác nhau trong đại chúng trong nội quy nội viện. Hiện tại chùa luôn song hành các pháp môn niệm phật, thiền quán, và mật pháp Kim Cang, Đại Bi.

VII. TĂNG CHÚNG XUẤT GIA VÀ PHẬT TỬ QUY Y.

  • Tăng chúng của chùa là 32 vị tính đến năm 2022, theo học các chương trình Phật học, thế học trong và ngoài nước như Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan,…
  • Phật tử đã quy y qua các đời trụ trì đến nay còn lưu danh bộ khoảng hơn 800.000 gia đình và cá nhân.

Được bà con nhân dân phật tử gần xa ủng hộ, Chư Tăng Ni bốn phương hộ trì và sự che chở của Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Lịch Đại Tổ Sư mà Chùa Thiên Hưng được thịnh an như ngày hôm nay. Chùa Thiên Hưng không những là Già Lam thắng địa đào tạo Tăng Ni tài đức để phụng sự dân tộc đạo Pháp mà còn là chốn lui về của bá tánh nhân dân trong ý nghĩa về với cội nguồn văn hóa làng quê Việt.